Thứ Tư, 13 tháng 3, 2019

Những lỗi kỹ thuật cần tránh khi thi công bột trét tường

Trong xây dựng, người ta thường sử dụng thêm một loại vật liệu xây dựng có công dụng làm phẳng bề mặt tường trước khi thi công sơn nước cũng như gia tăng khả năng chống thấm cho bề mặt tường. Vật liệu này được gọi là bả matic hay bột trét tường. Tuy nhiên, nếu lựa chọn và sử dụng không đúng cách, bột trét tường có thể phản tác dụng, ảnh hưởng đến quá trình thi công cũng như gây nên hiện tượng bong tróc, nứt nẻ bề mặt tường.
Hiện nay, bột trét tường được chia thành 2 loại chính theo ứng dụng, đó là bột trét tường trong nhà và bột trét tường ngoài trời. Tùy vào khu vực sử dụng, mục đích và nhu cầu mà chọn 1 trong 2 dòng sản phẩm cho phù hợp.
Bột trét tường trong nhà (bột trét tường nội thất) được sử dụng để gia tăng khả năng chống thấm bởi đặc trưng trong nhà là môi trường ẩm độ cao. Còn bột trét tường ngoài trời (bột trét tường ngoại thất) thì được sử dụng như một giải pháp để gia tăng độ bền vững của những bức tường ngoài trước các tác động của thời tiết như mưa, nắng, nhiệt độ cao, thấp bất thường…
Do sở hữu nhiều tính năng vượt trội hơn nên xét về giá thành, bột trét tường ngoài trời cao hơn bột trét tường trong nhà. Đặc biệt, bột trét tường ngoài trời còn có khả năng bảo vệ lớp sơn phủ tránh khỏi những tia cực tím có hại trong ánh nắng mặt trời, đồng thời giúp các lớp sơn lót tăng cường khả năng chống thấm. Do đó, hầu hết các công trình cao cấp hay biệt thự ngày nay đều sử dụng bột trét tường ngoài trời để mang đến một công trình đẹp và chất lượng.
Như đã nói, bột trét tường có thể gây nên những vết rạn nứt và bong tróc mất thẩm mỹ trên bề mặt tường. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do sử dụng bột trét tường kém chất lượng hoặc quá trình thi công không đúng kỹ thuật, khiến bột trét tường không tạo được độ bám dính theo yêu cầu, khi phủ lớp sơn nước lên không tạo được độ bằng phẳng, nhẵn mịn như mong muốn.
Vì vậy, khi thi công bột trét tường cần đảm bảo tránh các lỗi kỹ thuật sau:
- Bề mặt tường bị ẩm ướt khiến bột trét tường khó khô, thậm chí là không khô. Do đó, nếu thấy bề mặt tường còn ẩm thì cần có biện pháp làm khô, hong khô cho tường rồi mới tiến hành trát bột trét tường.
- Bề mặt tường bị làm khô quá mức cần thiết khiến nước trong hỗn hợp bột trét tường bị thấm hút nhanh, bột trét tường khi đó trở về trạng thái rời rạc mà chưa kịp kết dính. Vì thế, nếu thấy tường quá khô thì có thể dùng vòi để xịt một ít nước lên tường, làm ẩm bề mặt tường.
- Thi công bột trét tường quá dày làm giảm khả năng kết dính của cả bột trét tường lẫn những lớp sơn. Các chuyên gia xây dựng khuyến cáo không nên trát bột trét tường dày quá 3mm để đảm bảo không bị tác dụng ngược.
- Pha trộn bột trét tường không đúng hướng dẫn và tỷ lệ của nhà sản xuất, thành phần nước hay bột nhiều hơn quy định cũng sẽ gây nên những tác dụng không mong muốn lên bề mặt tường.
Nếu đảm bảo tuân thủ quy trình kỹ thuật trên, việc sở hữu những bức tường đẹp, kiên cố không còn quá khó khăn.
Theo Lê Trinh/tcxd.vn